* Còn ai nhớ những phim Liên Xô về Cuộc chiến tranh vệ quốc?
Ngày này cách đây 3/4 thế kỷ, vào lúc 4 giờ sáng (giờ Nga), Đức Quốc xã phát động “Chiến dịch Barbarossa” bất ngờ tấn công đồng loạt trên toàn tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô dài hơn 2000 km. Quân dân Liên Xô hoàn toàn không trở tay kịp, vì giữa họ và Đức đã ký thoả thuận không xâm phạm lẫn nhau. Sức mạnh vũ bão của phát xít Đức khiến số phận của toàn Liên Xô lúc đó như chỉ mành treo chuông. Ngày 03/07/1941, Tổng tư lệnh, Nguyên soái Stalin lên đài phát thanh, đọc lời hiệu triệu, kêu gọi toàn thể nhân dân Xô Viết đứng lên bảo vệ đất nước đang lâm nguy, mà sử sách hay gọi là “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại"...
... Tôi lớn lên khi xung quanh mình lúc đó (giữa thập niên 70 - 80) - từ màn ảnh lớn đến màn ảnh nhỏ - chỉ toàn là phim của Liên Xô và các nước XHCN. Không hiểu sao, lúc ấy nhận thức còn rất non nớt, mà tôi lại thích xem những bộ phim chiến tranh - đặc biệt là những phim về Thế chiến thứ hai chiếu ở VN thời ấy, toàn là phim do Liên Xô sản xuất.
Sau này khi phim Âu-Mỹ bắt đầu tràn ngập, tôi vẫn thích phim về Thế chiến thứ hai. Tính ra tất cả những nước có liên can đến cuộc chiến này, đều cho ra đời những bộ phim theo góc nhìn của họ. Theo số đông, phim Mỹ vẫn luôn hấp dẫn và hoành tráng. Nhưng với tôi, không nước nào qua được Liên Xô về chủ đề này. Bởi chỉ có đất nước đã trả giá hơn 20 triệu sinh mạng cho hòa bình thế giới (gần bằng ½ tổn thất của các nước tham chiến cộng lại), mới đủ sức làm lay động lòng người, bằng những bộ phim cho nhân loại thấy cái giá của chiến tranh là đắt như thế nào!
Trong số đó, Ballada O Soldate (Bài ca người lính), một bộ phim tuy ra đời đã gần 60 năm (1959), nhưng ai đã từng xem qua một lần, vẫn còn nhớ mãi sự giản dị đến nao lòng của bộ phim - thứ đã khiến Bài ca người lính trở nên vĩ đại!
* Gần 90 phút giản dị và cảm động
Trong một trận chiến ác liệt bảo vệ Stalingrad, chỉ còn anh lính truyền tin 19 tuổi Alyosha duy nhất sống sót. Anh sợ hãi bỏ chạy khi bị đuổi sau lưng là cả đoàn xe tăng Đức. Cùng đường, Alyosha nhặt vội một khẩu súng chống tăng và bắn đại 2 phát, anh đã hạ gục 2 chiếc xe tăng, vô tình đẩy lùi được quân Đức. Alyosha được trao tặng huân chương vì hành động anh dũng trên mặt trận.
Thay vì nhận huân chương, Alyosha xin đổi bằng 6 ngày phép để về quê nhà thăm mẹ, và nhân tiện sửa lại cho mẹ cái mái nhà. Trên chuyến tàu về quê, anh quen với Shura – một cô gái trạc tuổi anh, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đôi bạn trẻ đã cảm mến nhau. Trong quãng thời gian ấy, Alyosha gặp rất nhiều biến cố xảy đến trên đường về nhà, khiến quỹ thời gian dành cho mẹ chỉ còn là cái ôm từ biệt rồi phải vội vã lên xe trở lại mặt trận… Và Alyosha vĩnh viễn không bao giờ trở lại!
Từ đề cương kịch bản vỏn vẹn chưa đầy hai trang đánh máy của nhà biên kịch Valentin Yezhov, đạo diễn Grigory Chukhrai đã cùng tạo nên câu chuyện xúc động về anh lính Hồng quân trẻ tuổi. Và dường như trái với quy luật thông thường, ngay từ cảnh phim đầu tiên, tác giả đã nói thẳng với người xem rằng nhân vật chính đã không còn nữa. Alyosha đã hy sinh ở nơi nào đó ngoài mặt trận. Giờ đây, nhân danh những người bạn của Alyosha, tác giả bộ phim kể lại câu chuyện về anh - Người chiến sĩ Hồng quân.
Cũng giống như những kiệt tác Khi đàn sếu bay qua (đạo diễn Mikhail Kalatozov) hay Số phận một con người (Sergei Bondarchuk), Bài ca người lính không miêu tả chiến công của người lính Hồng quân ở ngoài mặt trận, tuy rằng việc Alyosha bắn hạ xe tăng Đức chính là cái cớ để câu chuyện phát triển về sau. Đạo diễn Chukhrai đã làm một cuộc cách tân thực sự. Từ góc độ nào đó, Bài ca người lính có vẻ giống như một phóng sự điện ảnh, mang tính chất phiêu lưu, mạo hiểm.
* Cuộc hành trình chông gai của một kiệt tác
Khi đạo diễn Chukhrai hoàn thành kịch bản Bài ca người lính, một hội đồng nghệ thuật được triệu tập để xem xét thông qua việc làm phim. Có rất nhiều người không tán thành, mọi người phê phán ông về tính nông cạn của kịch bản (chỉ duy nhất Mikhail Romm – thầy dạy của Chukhrai ở trường điện ảnh VGIK – là ủng hộ ông).
Giám đốc xưởng Mosfilm Alexander Fyodorov phê bình Chukhrai kịch liệt: “Nên nhớ ông đang làm phim về trận chiến vĩ đại ở Stalingrad, mà câu chuyện này chỉ nói về một chàng trai và cô gái, rồi nào là lợp lại nóc nhà... Chẳng có gì nghiêm túc cả! Ông đã từng làm Người thứ 41, một bộ phim rất hay được nhiều người yêu thích, và từng đoạt Giải thưởng lớn của Ban giám khảo LHP Cannes (1957). Vậy mà bây giờ ông lại làm một bộ phim nói toàn những chuyện tầm phào!”. Chukhrai phản ứng: “Đây là câu chuyện có thật của cuộc đời tôi, của một số người bạn mà tôi đã mất trong chiến tranh. Họ đã hi sinh, dứt khoát tôi phải làm bộ phim này dành tặng cho họ”.
Cuối cùng ban giám đốc vẫn quyết định để Chukhrai làm phim Bài ca người lính. Và ông bắt tay ngay vào việc tuyển chọn diễn viên. Hai diễn viên nổi tiếng lúc đó là Oleg Strizhenov (từng đóng vai chính trong phim Người thứ 41 của Chukhrai năm 1957) được chọn đóng vai nam chính, và Alyoshnikova vào vai nữ chính, trông hai người thật đẹp đôi và đáng yêu. Chukhrai cảm thấy rất hài lòng và tự hào về việc đã chọn.
Thế rồi một sự cố đã xảy ra đã làm thay đổi tất cả...
Ngay ngày quay đầu tiên, Chukhrai bị một tai nạn nghiêm trọng vỡ mắt cá chân và phải nhập viện. Ông chẳng có việc gì làm ngoài việc suy nghĩ về Bài ca người lính. Linh tính mách bảo ông hình như bộ phim có một điều gì đó chưa ổn, có điều gì đó mà ông đã sai. Cuối cùng thì Chukhrai cũng nghĩ ra, đó là chọn diễn viên không phù hợp, bởi khuôn mặt của họ quen thuộc và nổi tiếng quá. Một tháng sau quay trở về Mosfilm trên nạng, ông tuyên bố: “Chúng ta phải thay diễn viên!”. Cả xưởng phim gầm lên: “Ông có điên không? Đến đạo diễn bậc thầy Sergei Eisenstein cũng chưa bao giờ thay diễn viên giữa chừng, chưa ai làm vậy cả!”.
Mặc kệ tất cả, Chukhrai tập tễnh đi tìm diễn viên khác. Ông đến trường điện ảnh VGIK thăm lớp diễn viên năm thứ hai của thầy Mikhail Romm. Chukhrai chấm Vladimir Ivashov một chàng trai 19 tuổi trông khá bảnh bao, sáng sủa và hiền lành, y hệt như vai diễn Alyosha. Ông nói với thầy Romm: “Thầy có phiền không nếu tôi mời chàng trai kia đóng vai chính?” . Romm đáp lời: “Tôi sẽ không giao cậu ta cho bất kỳ ai, trừ anh!”
Còn nhân vật nữ chính Shura, sau nhiều lần thử vai, ông quyết định chọn cô gái xinh xắn 19 tuổi, Zhanna Prokhorenco, sinh viên năm thứ nhất Trường nghệ thuật sân khấu Moscow – Trường đào tạo nghệ thuật danh tiếng nhất của Liên bang Xô viết. Do chỉ mới học năm thứ nhất, nếu Zhanna nhận đóng vai này cô sẽ bị đuổi học! Nhưng mẹ của Zhanna rất tự hào và đồng ý để Zhanna bỏ học đóng phim này, vì bà rất thích phim Người thứ 41 của Chukhrai. Để đền bù cho Zhanna, Chukhrai đã xin cho cô được đặc cách vào học năm thứ nhất, khoa diễn viên Trường điện ảnh VGIK, của nhà làm phim lừng danh Sergei Gerassimov.
Chọn diễn viên mới xong, Chukhrai cũng được xuất viện và tiếp tục chuẩn bị cho việc quay phim. Sau tất cả những rùm beng của việc thay diễn viên, ông cảm thấy rất vui vì cuối cùng ý đồ vẫn thực hiện được.
Nhưng một cơn sóng dữ khác lại ập đến. Nhiều cuộc họp kín đã diễn ra và đoàn làm phim từ chối làm việc với 2 diễn viên mới Zhanna và Ivashov. Toàn bộ đoàn làm phim đã được mời tới gặp giám đốc của Mosfilm, họ nói rằng chỉ làm một bộ phim đích thực với 2 diễn viên nổi tiếng Alyoshnikova và Strizhenov, chứ không làm việc với 2 đứa trẻ ranh! Nếu không họ sẽ rút khỏi bộ phim. Chukhrai bình thản: “Được thôi, quý vị cứ rút. Chẳng ai ép ai phải làm một bộ phim mà mình không thích”. Một nửa đoàn làm phim đã ra đi. Chukhrai phải tuyển thêm người mới và tiếp tục cuộc hành trình gian nan.
Khi quay đến bối cảnh đoàn tàu xe lửa, nữ quay phim Savelyeva đã sơ ý gây tai nạn cho cô thư ký đạo diễn. Và chính lúc này Chukhrai mới biết được chính Savelyeva, trong lúc ông nằm viện, là người chủ mưu tổ chức hai cuộc họp kín để phản đối kịch bản Bài ca người lính và dàn diễn viên nghiệp dư của đạo diễn.
Quá giận dữ, Chukhrai quyết định sa thải nhà quay phim Savelyeva, kèm theo lời nhắn: “Một vài cảnh cô quay tôi rất thích. Một vài cảnh thì không. Nhưng vấn đề không phải chỗ đó, tôi từng là một người lính nên không thích những kẻ phản bội! Cô đã không thích bộ phim thì cút ra khỏi đoàn này, đừng ở lại làm kẻ phá hoại!”
Nhà quay phim Nikolayev, cũng là một cựu chiến binh đã tình nguyện đến giúp đoàn phim hoàn thành nốt tác phẩm. Tiến độ phim đã quá chậm, song Nikolayev đã lên kế hoạch và làm rất tốt cho đến khi quay xong.
* Suýt nữa thế giới mất đi một kiệt tác
Khi bộ phim hoàn thành, đạo diễn Chukhrai chiếu cho giám đốc mới của xưởng Mosfilm lúc đó là Surin xem, và xin thêm kinh phí để quay lại một số cảnh đoàn tàu. Surin không những từ chối cấp thêm kinh phí – với lý do bộ phim quá dở, mà còn yêu cầu Chukhrai phải cắt đi một số đoạn nếu muốn được phát hành rộng rãi. Chukhrai nhất định không chịu nhượng bộ, và chấp nhận mọi giông bão chuẩn bị giáng xuống đầu!
Sau đó vấn đề nghiêm trọng hơn, khi bị đem ra bàn bạc ở Hội đồng của xưởng Mosfilm. Và họ thống nhất rằng Chukhrai đã làm một bộ phim chống lại nhân dân, chống lại nước Nga Xô viết, đích thực đây là một bộ phim phản động! Hội đồng đã bỏ phiếu khai trừ ông ra khỏi chi hội điện ảnh, thậm chí khai trừ khỏi Đảng!. Chukhrai uất ức, vì một nửa trong số những kẻ đang phán xét ông chưa hề được xem Bài ca người lính. Bộ phim bị xếp xó và không được chiếu cho bất kỳ ai xem.
Một tháng sau, Chukhrai được triệu tập đến Hội đồng của xưởng Mosfilm, và được cho biết rằng Bài ca người lính sẽ được phép chiếu... nhưng không phải tại các thành phố lớn và thủ đô, mà chỉ giới hạn ở các câu lạc bộ ở nông trường, nhà máy, hợp tác xã, câu lạc bộ của công nhân… Chukhrai phát điên lên: “Nếu bộ phim phản động, sao lại mang đi chiếu cho công nhân và nông dân xem, mà không chiếu công khai ở các thành phố lớn? Các người đang phạm pháp đấy!”. Câu trả lời là: “Nếu chiếu ở thành phố lớn sợ nó sẽ gây nhiều tranh cãi!”
Hai tuần sau, vào một buổi sáng năm 1960, đạo diễn Chukhrai nhận được điện thoại từ Bộ văn hóa yêu cầu ông mang Bài ca người lính đi LHP Cannes gấp, vì ban tổ chức đích thân mời bộ phim mới của Chukhrai! Năm ấy cả LHP Cannes chỉ nói đến bộ phim vừa mới hoàn thành của đạo diễn Ý nổi tiếng Fellini, La Dolce Vita, còn Chukhrai thì cho rằng: Bộ phim của mình chỉ như là… một thứ quê mùa. Khán giả ở Cannes là những người giàu có, quý phái với những bộ cánh sang trọng, ai thèm quan tâm đến một bà mẹ Nga mất đứa con trai trong chiến tranh vệ quốc. Nhưng ông đã nhầm…
Sau phim này, Vladimir Ivashov và Zhanna Prokhorenco trở thành cặp đôi "thần tượng" nổi tiếng vượt ra khỏi biên giới Liên Xô
Bài ca người lính ngay lập tức giành được Giải thưởng lớn của ban giám khảo LHP Cannes, vượt qua rất nhiều tên tuổi lừng danh: Antonioni, Fellini (Ý), Bunuel (TBN), Bergman (Thụy Điển), làm lu mờ luôn cả bộ phim “bom tấn” vĩ đại của điện ảnh Mỹ lúc ấy là Ben Hur! Sau thành công tại Cannes, là Giải Sói vàng LHP Bucharest (Rumani), Giải BAFTA (Anh) cho phim hay nhất, Giải David Donatello (Ý) cho phim hay nhất, Giải Bodil phim châu Âu hay nhất.
Đặc biệt đây là bộ phim Liên Xô đầu tiên vượt biên giới vào Mỹ ngay trong thời “Chiến tranh lạnh”. Các nhà phê bình phim New York đã gọi Chukhrai là “Đạo diễn thiên tài”. LHP San Francisco đã trao 2 giải Cổng Vàng cho Đạo diễn và Phim hay nhất. Tại giải Oscar 1961, Bài ca người lính đã được đề cử Oscar kịch bản hay nhất! Nhà báo Bosley Crowther của tờ N.Y.Times đã khen ngợi: “Đúng là Chukhrai đã viết nên một bản tình ca (Ballad) với những hình ảnh đáng yêu... Một bài thơ hình ảnh có nhịp điệu và cảm xúc. Nó hài hước, thú vị, dịu dàng và mạnh mẽ"
Tại Liên Xô, dù đã được chiếu hạn chế từ 01/12/1959, nhưng phải đợi đến những vinh quang quốc tế ập đến dồn dập, thì Bài ca người lính mới được công chiếu rộng rãi, và đạo diễn Grigory Chukhrai thì được tôn vinh như một người hùng. Bộ phim được đón nhận với con số khán giả kỷ lục ở Liên bang Xô Viết lúc bấy giờ là 30,1 triệu người xem!
BÁ VŨ
Post a Comment