[Film & Book Review] The Boy in the Striped Pyjamas - Cậu bé trong bộ Pyjama sọc

=============================== 

Cuốn sách này mình đang đọc dở, đã đọc tới  lúc Bruno mặc bộ "Pyjama sọc" và đi qua bên kia hàng rào... Mình đã hình dung ra xong câu chuyện, đã nghĩ về một kết thúc "không thể buồn hơn"


Như bìa sau của cuốn sách này viết - đại ý rằng tốt nhất đừng nên kể trước điều gì về nội dung, cứ đọc, cứ theo chân hai cậu bé, thế thôi.

Một cuốn sách về chiến tranh, nhưng không có bom đạn khói lửa, vậy mà ám ảnh - buồn đến vô cùng!

 

 Mình có đọc một bài Reivew rất hay về sách, nhưng hé lộ nhiều nội dung thế nên mình không Post ở đây - Thay vào đó là một bài viết khác cảm nhận về phim mình copy từ Quaivatdienanh.vn

Nỗi buồn tuổi thơ của The Boy in the Striped Pyjamas

Tôi đang ngồi ở đây sau buổi tan làm, gõ phím những dòng tâm sự mà tôi nghĩ không thể giữ nổi, cũng không thể tìm ai tỏ bày. Đã nhiều ngày qua rồi mà mỗi khi nhớ lại vẫn thấy thật ám ảnh, day dứt. Bạn nghĩ tôi bị làm sao? Tôi buồn! Buồn vì xem bộ phim The Boy in the Striped Pyjamas.
Cậu bé Bruno 8 tuổi, thích đọc sách thám hiểm,
thích chạy nhảy bay lượn, thích chơi xích đu...
Một bộ phim mà diễn viên chính là cậu bé mới 8 tuổi, vẻ ngây thơ làm ta thật đau lòng. Nhân vật chính của The Boy in the Striped Pyjamas là cậu bé Bruno ấy, cậu bé 8 tuổi, thích đọc sách thám hiểm, thích chạy nhảy bay lượn, thích đu xích đu, có đôi mắt thơ ngây, trong veo như bóng nước mùa đông vậy. Một cậu bé bình thường nhưng không bình thường khi sống vào thời Thế chiến 2, tại nước Đức, đất nước của chủ nghĩa phát xít đã gieo rắc biết bao đau thương cho nhân loại. Số phận cậu bé cũng không bình thường khi định mệnh đặt cha cậu là chỉ huy của một trại tập trung.

Bánh xe số phận đã đưa cậu bé (do tò mò) vô tình đi đến hàng rào trại tập trung và gặp một cậu bé người Do Thái trạc tuổi mình tên Schmuel. Tình bạn của hai đứa trẻ sẽ thật bình thường trong xã hội ngày nay, nhưng rất khác thường vào thời ấy, Thế chiến thứ 2, giữa một bên là người Đức và một bên là người Do Thái.
Tuổi thơ đau khổ trong trại tập trung của Schmuel
chỉ vì cậu bé là người Do Thái
Một điều hiển nhiên ai cũng biết, chiến tranh chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả, nhất là với trẻ em. Nhưng kỳ lạ, trong bối cảnh thế chiến nhưng phim không có tiếng súng, không có máu me. Tuy nhiên, suốt cả mạch phim, cái không khí lạnh buồn của chiến tranh ấy quanh quẩn đâu đó, ở tiếng thét đầy tính quân đội của anh lính Kotler, của người cha Raft, ở tiếng gầm của xe tải và cả ở mùi của những người bị thiêu trong trại tập trung. Nhưng những chi tiết ấy chỉ để nhấn mạnh thôi, cái tàn bạo vô hình mà chiến tranh tạo ra chính là sự chia cắt, sự cách biệt.

Sự chia cắt ấy là bất đồng quan điểm giữa bà nội và ông nội Bruno, giữa bà nội và người cha; là khủng hoảng trong mối quan hệ vợ chồng của bố mẹ Bruno; là sự khác nhau trong sở thích giữa người chị và em trai. Sự cách biệt cay nghiệt tàn độc giữa gia đình Bruno với người giúp việc Pavel (vốn là một tù nhân trong trại tập trung) và rõ nét nhất chính là sự cách biệt giữa số phận của hai cậu bé Bruno và Schmuel, một là con trai của sĩ quan Đức Quốc xã, một là con trai thợ sửa đồng hồ người Do Thái.

Cái hàng rào của trại tập trung chính là lằn ranh ngăn cách hai con người của hai thế giới khác biệt, một bên là thế giới địa ngục của trại tập trung; một bên là khoảng trời tự do của cuộc sống bình thường.
Hàng rào kẽm gai không chia cắt được hai đứa trẻ
Nhưng tình bạn vốn giản dị, nó nảy nở bất chấp hoàn cảnh khác biệt đến đâu. Trong phim ta không thể nào quên được ánh mắt của hai cậu bé, ánh mắt hiện lên số phận của chúng. Một ánh mắt đầy sợ hãi, luôn cúi xuống của Schmuel; một ánh mắt trong veo, ngây thơ, luôn nhìn đời đầy lạc quan của Bruno. Tuy nhiên, hai ánh mắt ấy luôn phảng phất nét buồn bã, xa xôi, mông lung. Vì sao?

Schmuel thì dễ hiểu, cuộc sống trong trại tập trung không thể nào làm đôi mắt người ta vui vẻ được. Nhưng còn Bruno? Trẻ thơ là vậy, ta có thể lừa dối chúng tất cả nhưng không thể lừa dối được cảm xúc, cảm nhận của chúng. Đó là điều mà những sách vở ca ngợi lý tưởng quốc gia của ông giáo sư không thể làm được cũng như bộ phim giả dối về trại tập trung mà người bố Bruno tạo ra có thể che mắt. Cậu bé Bruno có thể rất yêu bố mẹ, gia đình mình, nhưng không thể không sợ hãi trước sự độc đoán và những tiếng hét của bố, không thể không khóc trước số phận của bác Pavel, không thể không hoang mang trước sự u uất của mẹ, sự thay đổi của người chị và không khí chiến tranh quanh mình.

Tuy nhiên, dù hoang mang thì bản chất của con nít vẫn là ngây thơ. Bruno vẫn tin tưởng và lý giải mọi sự theo xu hướng tốt đẹp, như chính con người cậu bé. Chưa bao giờ mà sự ngây thơ của một cậu bé lại khiến ta đau lòng đến vậy. Đau lòng vì cậu bé bị lừa dối, vẫn ngây thơ tin tưởng những điều xấu xa là tốt đẹp. Còn nỗi buồn nào hơn thế nữa! Và chính sự ngây thơ ấy, sự tin tưởng ấy đã biến thành lòng nhiệt thành để cậu bé mặc vào người bộ pyjama sọc, chui qua hàng rào, bước vào trại tập trung để giúp cậu bé Schmuel tìm bố. Người bố mà ta thừa biết là đã bỏ mạng trong lò thiêu của trại tập trung.
Đôi mắt trong veo của Bruno tràn ngập nỗi buồn
Cảnh cuối phim là cảnh cho dù gỗ đá đến đâu cũng không thể cầm lòng được. Thực tại thật xót xa khi hai cậu bé đi tìm bố cũng là đi vào chỗ chết mà không hề hay biết. Ánh mắt ngơ ngác của hai cậu bé cứ như khiến ta muốn la lên: “Đừng đi nữa, quay lại đi!” Cái kết quá đỗi tàn khốc dù chẳng thấy máu me, cũng không thấy xác chết, chỉ có ánh mắt trong veo của Bruno sáng lên lần cuối cùng trước khi lò thiêu đóng cửa. Người cha của Bruno đã tạo nên cái lò nung cho chính con trai mình. Bruno chết trong chính lý tưởng mà người cha tạo dựng.

Cái siết tay cuối cùng của hai cậu bé cũng siết chặt con tim của bất cứ ai. Dù cận kề cái chết, cả hai vẫn luôn tin tưởng vững chắc vào nhau. Cái siết tay đơn giản và cao cả, đó chính là cái siết tay của lòng trung thành và tin tưởng tuyệt đối trong tình bạn. Điều mà chiến tranh tưởng chừng đã dập tắt vẫn tìm thấy ở nơi không ai ngờ.

Bộ phim không đơn thuần là phim chiến tranh, chắc chắn cũng chẳng là phim thiếu nhi. Bộ phim đã mượn lăng kính trong sáng của tuổi thơ để phản chiếu những điều tối tăm, xấu xa nhất của tội ác chiến tranh. Nó chưng cất và hòa quyện những điều đẹp nhất của tuổi thơ, của tình bạn cùng những xót xa, đau đớn, tăm tối nhất của hiện thực tàn khốc.
Ánh mắt tràn ngập tin tưởng và niềm vui của Schmuel
khi được Bruno nắm chặt tay
Như lời của nhà thơ John Betjeman được trích dẫn ở đầu phim: “Childhood is measure out by sound and smell and sight, before the dark hour of reason grows.” (Tuổi thơ được đong đếm bằng âm thanh, mùi hương và cảnh đẹp, trước khi thời khắc đen tối của lý trí trỗi dậy.)

The Boy in the Striped Pajamas (2008), thời lượng 94 phút, loại PG-13
Đạo diễn: Mark Herman
Kịch bản: John Boyne (tiểu thuyết), Mark Herman (chuyển thể)
Asa Butterfield trong vai Bruno, Jack Scanlon trong vai Schmuel
© Xương Rồng Sa Mạc @Quaivatdienanh.com

 

Post a Comment

My Instagram

Copyright © Chuyện của Hùng. Made with by OddThemes