===============
KỲ TÍCH ĐIỆN ẢNH TỪ MỘT CÂU CHUYỆN CÓ THẬT
05/06, là kỷ niệm ngày ra đời của Christy Brown – Một hoạ sĩ, một nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Ireland. Ông nổi tiếng thế giới không phải do chất lượng những công trình nghệ thuật của mình, mà là do nghị lực vượt qua nghịch cảnh khó ai tưởng tượng nổi.
Năm 1989, cuốn hồi ký My Left Foot của ông được dựng thành phim cùng tên và rất thành công về thương mại lẫn nghệ thuật. Trên thế giới không có nhiều bộ phim có thể làm thay đổi ai đó khi họ đang lâm vào hoàn cảnh bế tắc tuyệt vọng. Và My Left Foot chắc chắn là một trong số ít phim hiếm hoi đó!
* Một tấm gương nghị lực không tưởng
Christy Brown là một trong số 13 người con (lẽ ra là 22, nhưng mẹ anh mất 9!) sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo ở thủ đô Dublin (Ireland). Christy bị chứng bại não bẩm sinh khiến anh bị liệt toàn thân và chỉ cử động được mỗi bàn chân trái. Không những Christy không nói được, mà mỗi khi bón cho anh ăn là phải vuốt cổ cho thức ăn trôi xuống, chứ anh không tự nuốt một cách bình thường được!
Điều thần kỳ đầu tiên đến với Christy xuất phát từ tình thương vô bờ của người mẹ. Bỏ ngoài tai mọi lời dè bỉu, bà đã kiên nhẫn từng chút một để tập cho Christy bật ra những tiếng nói đầu tiên (mặc dù không thể như người bình thường). Đến khi 5 tuổi, Christy phát hiện mình có thể điều khiển được bàn chân trái và những ngón chân. Một ngày nọ cả gia đình đông đúc của Christy đã sửng sốt khi thấy cậu bé kẹp viên phấn vàng ở hai đầu ngón chân để viết lên sàn chữ A đầu đời.
Từ đó trở đi, Christy chăm chỉ viết, vẽ và làm thơ với “trợ thủ đắc lực” là bàn chân trái của chính mình. Christy đã tự nguệch ngoạc viết về cuộc đời mình như dạng nhật ký và phát hiện được mình có thiên hướng nghệ thuật. Khi biết được có những trường hợp còn tồi tệ hơn mình, Christy càng tự tin hơn và tự hứa với lòng sẽ làm tốt nhất những gì có thể trong khả năng mà mình có được.
Christy là bệnh nhân đầu tiên trong phòng khám bệnh bại não của bác sĩ người Ireland Robert Collis, và chính bác sĩ Collis là người đã được xem những văn bản tự thuật và các sáng tác thi hoạ của Christy. Ông đề nghị công bố trước công chúng để góp phần mang lại niềm tin và nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ. Collis đã sắp xếp biên tập lại và cho xuất bản cuốn hồi ký của Christy có tựa là My Left Foot năm 1954.
Đến năm 1970, cuốn tự thuật thứ hai của Christy, Down All the Days ra đời thực sự là một kiệt tác văn học, nó trở thành best-seller quốc tế và được dịch sang 14 thứ tiếng. Nhà phê bình Bernard Share của tờ The Irish Times đã tuyên bố: “Đây là cuốn tiểu thuyết Ireland quan trọng nhất kể từ sau kiệt tác văn chương lừng danh, Ulysses của văn hào James Joyce”.
Những năm cuối, Christy sống ẩn dật và qua đời đột ngột năm 1981 ở tuổi 49, vì bị… nghẹn thức ăn do bất cẩn của người vợ. Ông để lại phía sau cuộc đời đầy sóng gió của mình, di sản 8 tiểu thuyết và một tuyển tập thơ.
* Từ kẻ vô danh trở nên vĩ đại
Chuyển thể My Left Foot lên sân khấu và phim ảnh từ lâu đã là một giấc mơ ấp ủ của đạo diễn sân khấu người Ireland, Jim Sheridan. Giữa thập niên 1980, ông gặp được người cùng ý tưởng là nhà sản xuất Noel Pearson, và đi đến quyết định đó sẽ là chuyển thể điện ảnh do chính Jim Sheridan làm đạo diễn đầu tay với chi phí sản xuất thấp đến khó tin 600.000 bảng Anh!
Tuy nhiên những kỳ tích lịch sử mà sau này bộ phim My Lelf Foot đạt được không phải đến từ hai người đàn ông kể trên, mà đến từ hai người đàn ông khác. Phim My Left Foot sẽ không thể nào thực hiện được, cho dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa nếu không tìm được người thủ vai Christy Brown. Đạo diễn Jim Sheridan trong những năm làm kịch nghệ đã biết vai này phải thuộc về ai: Đó là tài tử gốc Ireland đồng hương, Daniel Day-Lewis – người lúc đó dù đã đóng vài phim đình đám, nhưng vẫn là một cái tên xa lạ với giới điện ảnh.
Day-Lewis đã chuẩn bị cho vai diễn này bằng cách thường xuyên tới thăm dưỡng đường Sandymount ở Dublin – nơi mà Christy Brown từng chữa trị. Trong 8 tuần ở đây, anh quan sát và ghi chép tỉ mỉ những biểu hiện của các bệnh nhân bại não, thậm chí còn kết thân với vài người tàn tật, trong đó có một số người không nói được, hoặc nói rất khó khăn.
Đến khi đóng phim, Day-Lewis đã áp dụng cách nhập vai khổ hạnh đến mức lập dị chưa từng có xưa nay trong điện ảnh. Đóng một nhân vật bị bại não phải di chuyển bằng xe lăn trước ống kính. Lúc Day-Lewis tập trung diễn xuất thì không nói làm gì, đàng này khi ở bên ngoài ống kính, anh cũng từ chối thoát vai. Day-Lewis vẫn tiếp tục di chuyển khắp phim trường trên chiếc xe lăn của mình trong tư thế của người bị bại não, mục đích để anh có thể thấu hiểu mọi khía cạnh trong cuộc sống tàn tật của Christy Brown.
Các thành viên trong ê kíp làm phim lầm thầm chửi rủa, khi phải khổ sở khiêng anh cùng với chiếc xe lăn luồn lách qua những dây nhợ nối đèn đóm và máy quay trong phim trường. Chưa hết, đến giờ ăn anh khiến cả đoàn phát bệnh khi bắt mọi người phải đút cho anh ăn y hệt như cách ăn của Christy Brown ngoài đời. Thậm chí Day-Lewis còn quá đáng hơn khi hành mọi người kể cả lúc anh đi vệ sinh!.
Hậu quả sau nhiều tuần ngồi với tư thế của người bị bại não, Day-Lewis bị tổn thương hai chiếc xương sườn khi đóng phim này, do phải ở trong tư thế gập cong người trên chiếc xe lăn quá nhiều tuần. Day-Lewis còn cực đoan đến mức, khi người đại diện đến phim trường thăm còn bị anh từ chối gặp, vì anh sợ bị phân tâm sẽ khiến mình thoát vai!
Chỉ một thứ duy nhất Day-Lewis không làm cách nào khắc phục được, đó là anh không thể điều khiển chân trái của mình làm việc được hoàn hảo như Christy Brown, mà phần lớn phải dùng chân phải. Do đó nhiều cảnh đặc tả buộc phải quay qua gương để tạo hiệu quả đó là chân trái.
* Khi phim độc lập được tôn vinh
Phim My Left Foot và sự nhập vai thần kỳ của Daniel Day-Lewis sẽ chẳng được ai biết đến, nếu thiếu con mắt tinh đời và nỗ lực vận động hành lang không mệt mỏi của Harvey Weinstein – ông trùm của hãng phát hành Miramax (Mỹ) – lúc ấy tầm vóc vẫn còn rất khiêm tốn và nhỏ bé.
Chỉ có Harvey Weinstein gần như là người duy nhất ở Hollywood thấy được tiềm năng của bộ phim, cả về khía cạnh thương mại lẫn nghệ thuật. Sau khi xem xong My Left Foot, không những Harvey nhận phát hành toàn cầu cho bộ phim, mà còn thề sẽ làm bằng mọi giá để Daniel Day-Lewis giành giải Oscar – kể cả nếu ông có phải đeo biển quảng cáo ở tàu điện ngầm!
Gần như cả Hollywood đã chế giễu bộ phim và sự “điên rồ” của Harvey Weinstein, khi gọi My Left Foot là “Bộ phim què quặt”. Điều này càng khiến Harvey có thêm động lực để tiến hành những bước vận động ngoạn mục để giúp bộ phim Harvey và hãng Miramax đã bỏ ra gấp ba lần số tiền sản xuất, khoảng gần 2 triệu Bảng Anh, để vận động quảng bá cho My Left Foot. Thay vì phải tổ chức các buổi chiếu phim tốn kém để giới thiệu bộ phim cho các thành viên bỏ phiếu bầu chọn Oscar, Harvey đã cho in ra hàng loạt băng video VHS và gửi đến tận nhà cho họ. Những chiêu thức vận động và quảng bá cho phim này là điều mà trước đó chưa có phim nào ở Hollywood nghĩ ra, và sau này một số cách đã trở thành mẫu mực khiến cả thế giới phải bắt chước theo.
Những phản ứng tích cực bắt đầu đến tới tấp từ giới diễn viên (đồng thời cũng là những thành viên có quyền bỏ phiếu bầu chọn Oscar của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ). Với những lời có cánh từ các tên tuổi đáng kính trọng như Gene Kelly, Gregory Peck… “Wow, diễn xuất trong bộ phim này thật là kỳ diệu!”. Mọi người bắt đầu tập trung chú ý đến My Left Foot, và điều bất ngờ đã xảy ra khi nó được đề cử đến 5 giải Oscar – toàn là những hạng mục quan trọng, nhưng tất cả chỉ tập trung chú ý đến Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Lễ trao giải Oscar năm 1989 diễn ra trong sự hồi hộp của cả dân tộc Ireland. Ông trùm Harvey Weinstein có lý do để lo ngại bởi Giải Quả Cầu Vàng Nam diễn viên chính trước đó đã thuộc về Tom Cruise – người đang được cả thế giới kỳ vọng sẽ giành giải Oscar Nam chính bởi màn trình diễn xuất sắc trong vai Ron Kovic – một nhân vật có thật – là cựu chiến binh Việt Nam bại liệt, phải ngồi xe lăn biểu tình phản chiến, trong phim Sinh ngày 4/7 của Oliver Stone.
Khi hạng mục này được công bố với tượng Oscar Nam diễn viên chính không thuộc về Tom Cruise, không chỉ khán phòng Oscar sửng sốt, mà hàng triệu triệu người ngồi trước TV cũng ngơ ngác như nhau “Daniel Day-Lewis là gã quái quỷ nào?”... Ngược lại khỏi phải nói ở đất nước Ireland vui mừng như thế nào, bởi trước đó cũng trong buổi lễ Oscar này, Brenda Fricker, diễn viên đóng vai người mẹ tuyệt vời của Christy Brown trong My Left Foot, đã bất ngờ đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ. Cả nước Ireland đã tiệc tùng thâu đêm ăn mừng suốt hai tuần liền.
Theo sau các chiến lược tiếp thị đầy tính đột phá và kết thúc bằng 2 giải Oscar, My Left Foot là một thành công rất lớn về thương mại với 14,7 triệu USD doanh thu, nếu so với chỉ có 600.000 bảng Anh tiền sản xuất. Tuần báo giải trí Entertainment Weekly (Mỹ) có tiếng là khắt khe trong việc chấm điểm phim, đã xếp My Left Foot hạng A+. Trong lịch sử, không có nhiều phim được xếp hạng cao như vậy! Bộ phim cũng mở ra sự nghiệp cho đạo diễn Jim Sheridan
Tuy nhiên chiến thắng lớn nhất đã thuộc về ông trùm Harvey Weinstein, hãng Miramax, và là sự tôn vinh chính thức cho phim độc lập. Từ đó về sau, phim độc lập không ngừng lớn mạnh, đầy tự tin và phát triển mạnh mẽ - với Miramax là lá cờ đầu. Nó đủ sức cạnh tranh sòng phẳng, và lịch sử sau đó đã nhiều lần chứng minh, các bộ phim bom tấn nhiều lần phải cúi đầu trước sức mạnh nghệ thuật, và chiều sâu của phim độc lập tại các Giải thưởng điện ảnh trên thế giới.
BÁ VŨ
Post a Comment