[Nhặt] Chuyện niềm tin



Anh trai tôi, mỗi lần đi mua nhạc cụ, loa đài, tai nghe… đều chọn đồ như sau: Nghe thử từng loại. Tới khi nào không nhận ra sự khác nhau giữa hai loại nữa, thì mua cái rẻ hơn.
Vì anh bảo, nếu không thể phân biệt được, thì bỏ ra nhiều tiền hơn là một việc vô nghĩa.
Về điểm này, tôi không thể tâm đắc hơn.
Thông thường, khi đi mua sắm, bất kể là đồ ăn, thức uống, hàng gia dụng, đồ điện tử….bạn sẽ lựa chọn theo tiêu chí nào? Thương hiệu, giá thành, bạn bè khuyên dùng…? Dù tiêu chí của mỗi người khác nhau, nhưng đa phần đều giống nhau ở “niềm tin". Bạn tin ở thương hiệu ấy chắc chắn làm hàng tử tế, tin ở người đã giới thiệu mình đến mua, tin ở mức giá như thế thì không thể là hàng rởm được… Nhưng cái chúng ta nên tin nhất, là chính mình, thì ít ai dùng.
Mọi người thường hỏi tôi có thể đi ăn chay ở đâu, mua thực phẩm sạch chỗ nào. Thú thật rằng tôi rất ngại chỉ, vì không có chỗ nào hoàn toàn đảm bảo cả. Được cái này lại mất cái kia. Nhưng cách tốt nhất mà tôi chọn, là đem thân mình ra thử. Nếu tôi sử dụng sản phẩm nào đó và cảm thấy khó chịu, lần sau tôi sẽ không dùng nữa.
Chuyện uống trà cũng vậy. Tôi mê trà nên ngày nào cũng làm vài cữ. Tôi đã đi nhiều nơi, uống thử nhiều loại để tìm hiểu về trà. Hầu như nơi nào cũng nhận mình làm trà sạch cả. Có những sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ USDA. Có những đồi trà tôi ghé thăm, cam đoan rằng chỉ bón phân vi sinh, tự ủ phân chuồng... Thế mà, trà vẫn không sạch. Vì sao tôi biết được? Vì lưỡi tôi bị rộp, họng thì cứng, bụng thì đau. Cơ thể không biết nói dối, nó nhận thứ gì vào thì sẽ báo ra như vậy thôi.
Không có gì sai khi tham khảo những ý kiến, yếu tố bên ngoài trước khi quyết định làm một điều gì, mua một thứ gì. Nhưng yếu tố tiên quyết, vẫn phải là bản thân mình. Có thể bạn chưa đủ am hiểu kiến thức, độ nhạy cảm về lĩnh vực, sản phẩm nào đó; song, bạn mới là người là sử dụng, thụ hưởng hoặc chịu đựng về nó. Không ai có thể chịu trách nhiệm giùm bạn khi bạn chọn ăn một thực phẩm, uống một loại trà, kết hôn với một con người. Suy cho cùng, mọi lời khuyên đều sẽ thành vô nghĩa, nếu như bạn không cảm thấy gì.
Gần đây rộ lên câu chuyện về dầu gội bồ kết “sạch mà không sạch”. Người bán cam kết sản phẩm của họ hoàn toàn thiên nhiên, đã mang đi xét nghiệm, chứng nhận đầy đủ. Người tiêu dùng hoang mang vì nhiều người phản hồi không tốt, yêu cầu chụp ảnh xưởng sản xuất, nguồn hàng… làm bằng chứng. Có những người sợ quá, bảo chết rồi, trước giờ cả nhà đều dùng mỗi ngày, mà từ lâu lắm rồi. Nghe chuyện, tôi chỉ tò mò là: Mọi người dùng sản phẩm đó thấy như thế nào? Trả lời được câu hỏi đấy, rồi hãy tính tiếp. Nếu không cảm thấy gì đặc biệt, thì hoặc là cứ dùng, hoặc mua bồ kết về tự nấu cho yên tâm thì hơn.
Sự nhạy cảm của con người vốn là một điều hết sức bản năng. Mục đích là để bảo vệ chính mình. Nhưng càng ngày chúng ta càng sống xa rời tự nhiên, và bỏ quên năng lực này.
Ví dụ như chuyện thở. Bình thường ai chẳng thở, đều và đủ cho cơ thể hoạt động, sinh tồn. Tôi cũng luôn nghĩ như vậy, cho tới khi đi tập Ki-Aikido và được thực hành kokyu ho (hít thở). Việc này rất đơn giản: Trong tư thế ngồi quỳ seiza, nhắm mắt và hít thở một cách từ tốn. Không cần cố gắng hít sâu hoặc thở dài. Chỉ cần quan sát và đi-cùng hơi thở của mình, một cách nhẹ nhàng. Về cơ bản, chuyện này khá giống với thiền.
Nhưng có một điều, là mỗi lần ngồi kokyu ho, tôi lại ngáp. Ôi trời là ngáp, hết lần này tới lần khác, nước mắt giàn giụa. Tôi hay hỏi D. là vì sao vậy. D. bảo, bởi vì cơ thể của mình mệt quá rồi. Nhưng bình thường nó không được để tâm đúng cách. Mình cứ sống và làm việc thôi, không quan tâm đến nó. Tới khi có dịp được thảnh thơi ngồi lại, được hít thở đúng cách, cơ thể mới thư giãn toàn bộ, và thể hiện ra những cái mệt mỏi thường ngày.
Chuyện ăn cũng vậy. Ngày xưa tôi đặc biệt thích đi ăn hàng, thích cảm giác được thử nhiều món lạ. Nhưng đó chỉ là cái ngon-lạ miệng thoáng qua, chứ món ăn được nấu bằng những gì, tác động đến cơ thể thế nào, tôi không hề biết. Mãi tới khi “dở chứng, học đòi” ăn Thực Dưỡng, sử dụng ngũ cốc toàn phần, tìm nguồn thực phẩm sạch, loại bỏ mì chính, bột nêm, đường tinh luyện…. ra khỏi chế độ ăn của mình; tôi mới bắt đầu cảm thấy sự khác biệt. Lưỡi của tôi bắt đầu báo hiệu khi ăn phải đồ-bậy. Họng và bụng cũng làm loạn ngay nếu có ngày nào tôi ăn uống linh tinh. Nếu không hiểu, chúng ta có thể cho rằng đó là dấu hiệu của sức khoẻ suy yếu, hoặc chọn giải quyết bằng cách đi mua thuốc đau bụng. Nhưng nếu để tâm một chút, sẽ thấy rằng đó chỉ là “những cái ngáp dài” của cơ thể đã bị quên lãng quá lâu.
Trong Ki-Aikido, mọi vấn đề luôn xuất phát từ bản thân. Những sự vật, sự việc mà ta gặp đều chỉ là tấm gương phản chiếu cho cái bên trong ta. Nên trước khi muốn dẫn dắt bạn tập, cần phải ổn định tư thế của mình đã. Trước khi muốn chê trách một ai, hãy xem lại chính mình trước tiên. Tương tự vậy, nếu bạn không thể nhận ra điểm khác biệt giữa các loại thực phẩm, hàng hóa, hãy thẳng thắn nhìn nhận rằng: mình đã không đủ tinh tường, để chọn ra thứ tốt hơn cho bản thân. Sau đó, hãy xét tới nhà sản xuất.
Khả năng nhạy cảm của bản thân không phải tự dưng mà có. Chúng cần được quan tâm đúng mức, và rèn luyện theo năm tháng. Ba năm trước, tôi ăn mì chính, bột nêm chẳng thấy gì, giờ ăn là xác định ngay. Ba năm trước, tôi uống trà sạch-bẩn, ngon-dở không thể biết được, giờ thì vẫn blind-test hàng ngày với ông chồng. Ba năm trước, tôi không nhạy bằng bây giờ, nhưng tôi vẫn chọn đặt niềm tin vào bản thân, và phát triển nó lên. Cuộc sống thì nhiễu nhương, thế gian thì vô thường, bản thân tôi cũng có thể sai. Nhưng nếu tin vào tôi, thì có thể tự chịu trách nhiệm được. Chứ nếu tin vào một thương hiệu, một con người nào khác, rồi bỗng nhiên phát hiện ra nó không-như-mình-nghĩ, thì biết trách ai bây giờ?


Câu chuyện niềm “tin” có lẽ nên cố gắng thêm một chữ H nữa, để thành sự “tinh”. Bắt đầu từ việc để ý bát cơm mình ăn, chén trà mình uống, loại dầu gội, sữa rửa mặt, kem đánh răng mình dùng hàng ngày. Đừng ngắt cái “Ki” kết nối giữa mình và cơ thể. Chuyện đó tưởng đơn giản mà khó vô cùng. Việc ấy nghĩ hiển nhiên mà tốn rất nhiều công sức. Nhưng đáng. Vì chúng ta phải đi với cơ thể này ít ỏi cũng mấy chục năm cơ mà. Vì nếu hôm nay mình ăn đồ bậy mà không nhận ra, thì ngày mai cơ thể đổ bệnh, thậm chí bệnh nặng, cũng làm sao mà biết được.

Theo FB: Lạc Nhược

Post a Comment

My Instagram

Copyright © Chuyện của Hùng. Made with by OddThemes