2007, tôi nhận công tác ở Viettel Nghệ An, lúc này mới thành lập và bắt đầu triển khai mở các cửa hàng trên khắp các huyện.
Tôi được điều lên phụ trách Quế Phong. Đóng tại thị trấn Kim Sơn.
Kể [Phụ trách] cho oai thế thôi, cái cửa hàng 2 tầng thuê lại nhà dân, có 2 nhân viên, sau tuyển thêm một cậu người địa phương nữa là 3. Cả huyện có 1 trạm BTS của Viettel, do địa hình rừng núi nên độ phủ sóng không quá 3km. Nhiệm vụ chính là quảng bá hình ảnh và triển khai HomePhone.
Công việc rất nhàm chán, tôi "Quan hệ công chúng" bằng cách uống rượu. Bởi vào bản thì "Bát rượu là đầu câu chuyện" - Không uống được rượu - xin mời cút đi cho.
Mà chẳng phải vào bản, việc quan hệ với anh em quanh thị trấn cũng rượu là chính. Từ anh em làm ủy ban cho tới các anh em tiểu thương. Bát rượu là đầu câu chuyện hết.
Tháng 10/2007, Bão số 5 dự kiến đổ bộ vào Thanh Hóa - Nghệ An. Sáng trước hôm bão về, ông anh kỹ thuật chơi thân với tôi chạy từ Nghĩa Đàn lên để kiểm tra đường dây. Trạm BTS của Viettel dựng tại đài Truyền Thanh - TH huyện, có một máy phát điện sơ cua. Cả sáng 2 anh em đi gom xăng bơm đầy máy phát, dự trữ sẵn thêm mấy can 20l để tại cửa hàng phòng khi bất trắc. Vị trí trạm cách cửa hàng chừng 300m, ở giữa có một cống tràn.
Xong xuôi thì ông anh chạy về Nghĩa Đàn, trời mây đen kịt, vội tới mức không kịp cả ăn trưa. Hắn vừa đi thì trời bắt đầu trút nước, mưa xối xả. Chừng hơn 1 tiếng sau tôi thấy hắn quay lại, hớt hải
- Sạt núi ở Châu Tiến rồi, không thể về được nữa.
Thế là hắn ở lại, tôi có thêm bạn đồng hành - bỗng nhiên thấy vui vui.
Trời mưa như trút không ngừng nghỉ, Quốc lộ 48A bị sạt lở nhiều đoạn và Quế Phong chính thức bị cô lập. Các phòng ban của Huyện chạy nháo nhào tìm các phương án khắc phục. Mọi máy công trình đang thi công ở các khu vực lân cận đều được huy động về điểm sạt lở.
Đêm, lũ quét tràn qua Nậm Giải. Sáng ra tin 14 người chết và mất tích, đến trưa là hơn 20 người. Một bản bị chia cắt hoàn toàn. Cả Kim Sơn nháo nhào. Thị trấn cũng đã bị chia nhỏ bởi nước dâng, chỗi tôi ở nước đã ngập lút vườn và tràn vào giếng. Nguồn cấp nước sạch duy nhất đã hết. Chúng tôi chỉ còn ít nước đóng chai. Điện thì tất nhiên là đã phải cắt từ hôm trước. Và thời của Viettel bắt đầu.
Thời điểm đó có 3 mạng viễn thông hoạt động tại Quế Phong là Vina, Mobi và Viettel là mới nhất. Trong khi Vina và Mobi chạy cáp dẫn chung cột với nhau thì Viettel chạy riêng cột do quân đội trồng. Khi thiên tai xảy ra, sạt núi lở đường, hệ thống dây dẫn của Vina và Mobi bị đứt. Của Viettel, bằng sự may mắn thần kỳ nào đó mà vẫn thông tuyến.
Đây hoàn toàn là một sự may mắn, không có bất kỳ yếu tố kỹ thuật hay chất lượng nào ở đây cả - Tôi xin cam đoan như thế.
Viettel trở thành kênh dẫn liên lạc duy nhất từ Quế Phong ra ngoài.
Chúng tôi trở thành những người quan trọng. Ngày 2 lần, tôi cùng anh bạn lội qua cống tràn, lúc này đã ngập sâu ngang ngực, nước chảy xiết, để mang xăng và kiểm tra máy nổ. Yêu cầu thiết yếu là máy nổ phải chạy và trạm BTS có điện.
Rất khó để diễn tả bằng lời sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên. Để dễ hình dung, anh chị có thể biết rằng trong tình hình cấp bách đó. QK4 đã phải điều xe lội nước chuyên dụng lên để có thể hỗ trợ địa phương, giải cứu đồng bào đang bị vây khốn hay tìm kíếm người mất tích. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lên trực thăng bay vào chỉ đạo trực tiếp, nhưng tới Thanh Hóa thời tiết xấu lại quay ra. Anh em địa phương chạy như con thoi, huy động mọi nguồn lực để tiếp cận vùng bị nạn, tiếp tế lương thực cho bà con.
Chúng tôi chỉ có mì tôm và một ít lương khô để ăn. Những thứ này không thiếu, bởi dù ngập nhưng khi cần vẫn có thể liên lạc với các tạp hóa trong thị trấn. Nhưng không có nước hay dụng cụ để đun nấu các đồ ăn khác. Hồi đó tại cửa hàng chúng tôi có nuôi một con chó nhỏ. Còn một ít trứng gà, mấy anh em để dành cho chó. Chủ cứ gặm mì tôm. Hết đợt lũ chú cún được chuyển về xuôi, sống một cuộc đời bình dị.
Tất nhiên là thời điểm này chưa có đoàn thiện nguyện hay cứu trợ tư nhân nào tiếp cận nổi.
Không gì bì nổi bộ đội. Anh em làm ngày làm đêm, từ cứu hộ cứu nạn, tới tiếp tế, vận lương. Sau cùng lại là anh em hỗ trợ bà con làm lại nhà, dựng lại lều tái thiết cuộc sống.
Sếp trực tiếp của tôi liên tục gọi từ Vinh lên, mỗi cuộc gọi đều nói về "tinh thần Viettel", về duy trì trạm phát, về không bỏ cuộc... những điều sách vở và sáo rỗng. Tôi đã bám trụ ở đây và đã, đang làm tốt mọi điều sếp cứ gào lên trong điện thoại. Nhức cả đầu.
Chú Nguyễn Mạnh Hùng - lúc này đang là phó tổng Viettel, gọi từ Ha Nội về một lần. Chú nhỏ nhẹ hỏi thăm tình hình. Chú hỏi anh em còn gì ăn không? Còn áo quần khô để mặc không? Có cần hỗ trợ gì cấp bách không? Và dặn đi dặn lại phải bảo toàn tính mạng.
Tôi hiểu ra cái tầm của người lãnh đạo quan trọng thế nào.
Một nhánh nhỏ của sông Hiếu, chảy qua mấy xã quanh thị trấn Kim Sơn.. bình thường như một con suốt nhỏ chảy qua một bãi đá. Mỗi lần vào bản về tôi thường ngồi ở đây chơi vì nó rất đẹp và thanh bình. Là nơi tôi gửi gắm "nỗi lòng ta xuôi theo dòng" - Nay lồng lên hung dữ, nước chảy cuồn cuộn đặc quánh những bùn và cây cối, nó cuốn phăng mọi thứ trên đường đi không chừa lại cái gì. Không chừa lại gì theo đúng nghĩa đen.
Một cảnh tượng rất tàn khốc và ám ảnh.Đây chính là thời gian mà tôi nể sát đất cánh anh em làm tin bên đài huyện. Bình thường nhể nhếch, nom ông nào ông nấy nát rượu, nhậu suốt ngày. Mà mưa lũ cứ lội vào bản làm tin, lại lội ra chuyển tin. Ngày mấy bận nhẹ nhàng, không thấy thằng nào kêu than gì. Lúc nào cũng đầy năng lượng.
Gần một tuần sau thì đường thông, mưa gió cũng ngớt, các đoàn xe dưới xuôi lên nhịp nhàng. Sếp tôi cũng lên, tay lái xe đi trước vào cửa hàng đưa cho tôi tờ báo nội san của Viettel, bảo đọc đi vì trong đó có đoạn nói về chúng tôi. Hắn bảo tôi mặc quần áo đẹp vào vì tí nữa có báo chí chụp ảnh. Đấy là một trong số rất ít lần tôi muốn dùng nắm đấm luôn khi đang nói chuyện. Nước sau vườn vẫn chưa rút và chúng tôi vẫn chưa có nước sạch để sinh hoạt.
Tờ báo nội san có bài phỏng vấn Sếp tôi. Trong đó ông nói rằng - có những nhân viên bơi qua suối với can xăng 50l để cứu trạm... hừm, 50l thì giờ này tôi trôi về tới Nghĩa Đàn rồi, mà có khi vẫn đang tìm xác.
Các đoàn thiện nguyện bắt đầu lên, hồi đó MXH chưa phát triển như giờ, mọi thông tin chủ yếu qua báo điện tử. Và các vấn đề bắt đầu phát sinh.
Bà con thiểu số sau cơn sinh tử đã dần ổn định lại, nhưng nhà cửa, lương thực, vật nuôi đã trôi sạch. Các đoàn lên đưa nhu yếu phẩm theo, cái này rất quý. Nhưng lại kèm thêm cơ ma là áo quần cũ. Không rõ các anh chị lấy thông tin ở đâu mà đưa áo quần lên lắm. Anh em quên mất là bà con thiểu số không mặc lại áo quần cũ của người Kinh, họ sợ con ma bắt mất. (Thời điểm này thì tôi không rõ họ đã mặc chưa) - Đấy là văn hóa. Như người Hindu không ăn bò và dân Đạo hồi không ăn lợn vậy. Đừng đưa cái suy nghĩ của mình áp đặt cho họ.
Anh em Đoàn thanh niên tích cực hỗ trợ các đoàn thiện nguyện. Nhưng không dám từ chối nhận áo quần, anh em sợ mất lòng. Thế là cứ tập kết về kho hàng tải đồ cũ. Sau rồi bà con không lấy, trả lại không xong. Anh em tuồn hết cho các Gara oto làm giẻ lau. Anh em Gara thì quá thích luôn. Nhưng cánh báo chí lại tộp được hình ảnh này. Thế là loạn lên, anh em thiện nguyện thì nổi giận, anh em chính quyền và gara thì bị chửi, còn bà con thiểu số cũng bị hiểu nhầm đáng kế.
Nhưng đó chưa phải là chuyện nghiêm trọng nhất.
Quế Phong là điểm nóng về ma túy, anh em nam giới nghiện ôi thôi là nhiều. Chính quyền mất hàng chục năm trời để vận động anh em cai nghiện, bỏ cây anh túc trồng cây hoa màu. Việc này không bắt bà con được mà phải dân vận. Đây là cả một kỳ công. Anh em thiện nguyện lên thấy bà con khổ quá lại cho tiền mặt. Hỡi ôi, tiền mặt quý thật đấy, nhưng chỉ quý với những ai cần tái thiết cuộc sống và có chí hướng thôi. Còn với anh em nghiện thì đúng tiếp tay cho giặc.
Ban đầu, lúc ngồi chè chén với anh em Đoàn Thanh Niên, khi anh em nói điều này mình không tin, gạt phăng đi bảo anh em lo xa. Cho ít tiền thì có làm sao, blah, blah... Dù anh em giải thích nhưng mình vẫn không thấy thuyết phục. Cho tới 2015, lúc này câu chuyện ở Hà Giang yêu cầu khách du lịch không cho trẻ em kẹo - vì sẽ làm chúng bỏ học để đi xin kẹo. Mình ngẫm lại chuyện ở Quế Phong, và thừa nhận là anh em Đoàn TN đúng. "Cứ lũ lụt xong lại cho tiền, khiến một số người không chịu làm ăn gì nữa đâu, cứ chờ lũ lụt lại ra nhận tiền - tai hại lắm"
Ra vậy, cho tiền không đơn giản chỉ là cho tiền.
Post a Comment