MỘT THẾ HỆ RÁC RƯỞI

 Là thế hệ chúng tôi. Rác rưởi theo đúng nghĩa đen. Rác mọi ngõ ngách, rác mọi con đường, rác ở khắp nơi.

Hà Nội đang ngập trong rác. Nhưng không chỉ Hà Nội, mọi đô thị hay khu đông dân cư của Việt Nam đang đối mặt với vấn nạn rác thải.
Chúng tôi sinh ra giữa thời kỳ mà mối bận tâm lớn nhất là cái ăn cái mặc. Nhiều bạn bè cùng trang lứa phải bỏ dở học hành để kiếm ăn. Học xong có thể được no bụng hơn, nhưng trước mắt nếu đi học thì chết đói. Thế là bỏ học.
Thế hệ chúng tôi không được giáo dục nhiều về môi trường và rác thải. Không được dạy bỏ rác đúng chỗ, không biết phân loại rác thải và không hiểu được những mối nguy từ rác.
Thế hệ chúng tôi cũng chưa phải chịu áp lực từ mật độ dân số nên đã không nhận ra sự đe dọa từ rác thải.
Chúng tôi làm theo người lớn, vứt rác vô tư, bừa bãi. Lâu dần rồi thấm vào người cái suy nghĩ - Chỉ muốn tay mình sạch mà thờ ơ với xung quanh.
Và rồi chúng tôi lớn lên, thành lực lượng lao động chính của đất nước, thành bố thành mẹ, thành những người giữ trọng trách và mang trong mình nhiều trách nhiệm. Nhưng chúng tôi vẫn thiếu nhận thức với rác. Mọi thứ đã thành thói quen, ngấm vào máu.
Thế hệ chúng tôi đã bắt đầu hưởng thụ cuộc sống, không còn trăn trở nhiều về cái ăn cái mặc nữa. Nhưng vẫn giữ nền nếp cũ - Chỉ muốn sạch tay mình.
Những ông bố thay pin đồ chơi cho con, rồi vứt luôn mớ pin cũ xương bãi cỏ. Có không? Nhan nhản.
Những người đẹp thướt tha, bước lên xe sáng loáng rồi vứt túi nilong, chai nước, vỏ bánh kẹo... ra đường. Có không? - Cơ man không kể xiết.
...
...



Chúng tôi thảy rác vào môi trường mọi lúc, mọi nơi, không chút mảy may trăn trở bởi nó đã thành thói quen. Một thói quen khó bỏ.
Bởi chúng tôi không được dạy từ bé. Hành vi vô trách nhiệm đó không được nhắc nhở và uốn nắn nên đã thành tính cách.

Nhưng lớn lên rồi vẫn giữ ý thức - tính cách đó thì là lỗi của chúng tôi. Không phải của bố mẹ. Bố mẹ chúng tôi có một sứ mệnh lịch sử là lo cho chúng tôi cái ăn cái mặc, và họ đã hoàn thành.

Con cái của chúng tôi thì phải khác chứ? Xuất phát điểm khác, nhận thức khác và môi trường khác. Rõ ràng chúng sẽ là lực lượng chính để làm sạch lại đất nước này. Điều chúng tôi cần là tạo ra ý thức và trách nhiệm cho chúng.

Nhưng... những đứa trẻ thế hệ con tôi lại bắt đầu vứt vỏ kẹo bánh tùy ý, dù rằng thùng rác ở khắp mọi nơi. Bố mẹ không cho chúng đụng vào nắp thùng rác vì sợ bẩn, và rồi cái tư duy - Chỉ cần sạch tay mình - lại bắt đầu chuyển sang một thế hệ kế tiếp.

Vẫn hoàn toàn là lỗi của chúng tôi.
Một thế hệ rác!

Post a Comment

My Instagram

Copyright © Chuyện của Hùng. Made with by OddThemes