Tôi từng có cơ hội làm giảng viên ĐH, nhưng rồi tôi từ chối. Bố tôi, một nhà giáo hơn 30 năm tuổi nghề (lúc đó) khi nghe tin đã giận tôi ra mặt. Không giận sao được khi tôi có cơ hội tiếp nối truyền thống gia đình lớn đến thế mà lại đem bỏ, nhẹ nhàng như vứt mẩu thuốc lá hút dở...
Nhưng tôi không có tâm trạng nào để đi làm Thầy khi mà cái bụng tôi đói và đầu óc tôi chỉ nghĩ đến chuyện thoát nghèo.
Nghề Giáo. Cả một thời gian dài từ thế hệ của tôi cho mãi tới tận sau này người ta không muốn thi vào trường Sư Phạm, Và nếu đi thi SP thì chỉ vì nó được miễn học phí hoặc là họ nghĩ rằng họ không thể thi vào Kinh Tế, Bách Khoa, Xây Dựng... được. Cả một thời gian dài như thế người ta nói rằng thời đại Kinh tế mở cửa, cần nhiều nhà kinh tế, cần nhiều kỹ sư... Nhưng người ta quên mất rằng, sự hưng suy của một Quốc Gia lại nằm ở Giáo Dục. Một nền giáo dục tốt sẽ sản sinh ra vô số Kỹ sư, Bác Sĩ, nhà Kinh tế giỏi. Nhưng một nhà kinh tế giỏi chắc gì đã nuôi nổi một đứa con thành người...
Mỗi năm thấy kết quả đầu vào các trường SP lại thấp đi một chút, tôi lại chạnh lòng: Vì đâu nên nỗi thế?
Nghề Giáo, nhẽ ra phải luôn là nghề được xã hội trân trọng và là một nghề tôn quý như vốn dĩ nó phải thế. Nghĩa là người làm Nghề Giáo chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là Bồi dưỡng đạo đức, tuyền thụ kiến thức và truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò. Nghĩa là sau giờ lên lớp họ sẽ giành thời gian để bồi dưỡng trí tuệ và sức khỏe cho chính bản thân mình để công việc ngày càng tốt hơn chứ không phải tất tả bán hàng Online, chạy ngược chạy xuôi chợ này chợ nọ, kiếm việc làm thêm để tạo thêm thu nhập... bởi đồng lương giáo viên không thể trang trải nổi cuộc sống gia đình.
Làm sao họ có thể gieo vào đầu con trẻ những ước mơ vĩ đại, khi mà ngay cuộc sống của họ chẳng dám mơ cả những điều nhỏ nhoi?
Nhiều trường học đã biến thành công ty, và nhiều nhà giáo đã theo đó tự chuyển hóa thành các nhà kinh tế. Đấy là lỗi của cả một hệ thống, của cả xã hội này.
Tôi rất thích môn Vật lý, và theo học Vật lý bởi tôi có một người Thầy cấp 3 biết gieo vào tôi niềm yêu thích môn học chứ không phải thúc ép tôi phải giải được bài tập này kia. Và rằng "Điểm chác quan trọng chi"...
Con gái tôi 3 tuổi, đi trẻ từ khi 21 tháng tuổi. Và tới tận lúc này chưa bao giờ con chán đến trường. Ngày con mới đi học, vợ chồng tôi luôn để bỉm vào túi để trưa con mặc tránh tè dầm, chỉ một thời gian ngắn sau, khi đón con tôi thấy bỉm vẫn nguyên trong túi. Tôi cứ nghĩ con không ngủ trưa, nhưng cô giáo của con bảo từ mai bố không cần mang bỉm nữa. Tôi thấy các cô thật giỏi.
Con ăn ngủ đúng giờ, tự giác và lễ phép. Đấy không phải là bẩm sinh, đấy là giáo dục.
Con đi học về luôn có những thứ hay ho, những suy nghĩ trẻ con nhưng rất logic, những kiến thức rất mới... Đấy không phải là tự nhiên, đấy là giáo dục.
Những đứa trẻ trong lớp con tôi mỗi khi gặp nhau ở sân trường lại reo lên mừng rỡ và quấn lấy nhau chơi quên cả giờ về. Có đồ ăn lại mang ra chia cho nhau. Đấy không phải là bản năng, đấy là giáo dục.
"Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý" (Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng)
Hãy đặt Nghề Giáo lên đúng vị trí của nó, đừng để những người làm nghề giáo phải ấm ức, xã hội tặc lưỡi và những kẻ thối mồm có cớ để dèm pha.
Đấy là trách nhiệm của cả xã hội. Chứ không phải của riêng cơ quan nào đó.
(2018)
(2018)
Post a Comment