VINH NGẤT.

 Lớp 6, nhà tôi chuyển về ở trong vườn ông bà nội, cách nơi ở cũ khoảng 2km.

Tôi phải tạm chia tay đám bạn quanh cái xóm chợ ở nơi ở cũ. 2km thời đấy là khá xa đối với đám nhóc chỉ chuyên đi bộ, bởi vậy muốn gặp nhau cũng chẳng dễ. Lớp 6 tôi vào trường huyện học, đám bạn cũ chỉ có vài đứa cũng vào trường huyện, còn lại học ở xã. Xa lại càng xa.
Bù lại, tôi có thêm bạn mới, là đám trẻ trong làng chỗ ông bà. Thực ra thì mỗi năm về nghỉ hè hay Tết tôi cũng đã quen gần hết đám này rồi. Nay về gần thì thân thiết hơn thôi.
Cạnh nhà ông bà tôi là nhà thằng Vinh, nó thua tôi 3 - 4 tuổi. Cả làng gọi nó là Vinh ngất, tôi cũng thế.
Mà nó ngất thật, tôi trưởng thành lên và không có cơ hội để tìm hiểu xem thực sự hội chứng nó mắc phải là gì? Chỉ nhớ rằng nó không bình thường như tụi tôi. Nó ngờ nghệch và kém nhận thức, không thể đi học và lúc nào cũng cười.
Bố thằng Vinh cũng tầm tầm tuổi bố tôi, theo lời người lớn trong làng kể thì ngày trước cũng là một thanh niên bình thường. Năm 79, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Bố thằng Vinh đi bộ đội, bị Trung Quốc bắt làm tù binh, khoảng hơn 1 năm thì được thả về. Nhưng không còn là chàng thanh niên khỏe mạnh nữa. Bố nó trở nên chậm chạp, ngơ ngơ ngẩn ngẩn và sức khỏe cũng suy giảm. Tôi lại nghe người làng kể rằng thời gian bị bắt ở Trung Quốc, bố nó bị tiêm một loại thuốc gì đó mới thành ra như vậy.
Bố nó lấy vợ, một người phụ nữ nghèo, đau yếu ở xóm khác, nhờ sự mai mối của mọi người. Thế rồi có nó. Kể ra cũng ấm lòng!
Nhưng thằng Vinh không bình thường, càng lớn nó càng không bình thường. Nhà nó, không đủ trí tuệ lẫn sức khỏe để lao động nên mau chóng trở thành nghèo nhất xóm.
Chúng tôi học lớp 6, mọi người cố gắng gửi thằng Vinh đi học lớp 1, nhưng nó không thể tiếp thu được điều gì. Ngồi dạy nó học chữ A, B, C... suốt một tiếng đồng hồ, lúc nó bắt đầu nhớ mặt chữ thì chỉ cần ra đi đái thôi, lúc trở vào nó quên sạch. Nếu mô tả đầu óc nó một dạng bộ nhớ vật lý thì nó chỉ là dạng bộ nhớ tạm cấp 1 (Cache L1) 8k, hay khá hơn là 16k. Chỉ nạp được vài điều cơ bản, rồi đầy và không nạp thêm được. Nó nhớ được mọi người trong xóm, nhớ được đường về nhà. Thế thôi.
Lũ trẻ trong xóm không chơi với thằng Vinh, nghĩa là không chơi như là bạn bè thông thường. Chúng tôi chỉ trêu ghẹo nó và xúi nó những việc linh tinh để khỏi bị người lớn nạt nộ. Bởi chẳng ai nỡ mắng mỏ nó vì những điều ngây ngô nó làm. Mà kể cả có chửi bới nó thì nó vẫn thế, chỉ nhe răng ra cười nham nhở.
Chúng tôi lớn lên, và thằng Vinh cũng lớn lên, nó cao lớn và khỏe mạnh, người làng nhờ nó những việc bốc vác đơn giản và cho nó vài nghìn mỗi lần nhờ. Chúng tôi bắt đầu để ý tới các bạn nữ, những bạn càng xinh, càng phổng phao thì chúng tôi càng thích. chúng tôi làm thân rồi chơi cùng các bạn nữ, các anh lớn hơn thì mạnh bạo hơn rồi đi xa hơn. Ý là yêu.
Thằng Vinh cũng bắt đầu thích người khác giới. Đấy là dậy thì, tôi biết chắc chắn là đã có những thay đổi sinh học trong cơ thể nó. Nhưng khác bọn tôi, nó không thể tiếp cận để chơi cùng hay quan tâm tới các bạn nữ. Không ai chơi với nó cả.
Nó trở nên thích thú mỗi khi chúng tôi xúi nó xô đẩy hay trêu ghẹo cô này cô kia. Không như các trò phá làng phá xóm khác, thường thì phải dọa dẫm rất ghê thì nó mới làm.




Có một bận, các bà các cô trong làng tôi kêu ầm lên việc bị mất Cóc sê lúc đang phơi. Người thì đoán chuột bọ, người thì nghi hàng xóm chơi khăm. Nhưng Cóc sê vẫn cứ mất, cả làng điên tiết lên chửi tổ cha cái đứa thần kinh nào, lấy gì không lấy lại đi lấy Cóc sê. Mà toàn Cóc sê cũ, bèo nhèo của các bà các mẹ.
Thực ra thì Cóc sê của các chị em gái mới lớn cũng mất, nhưng các chị em vì xấu hổ nên không làm ầm lên như các mẹ các bà đấy thôi.
Bẵng đi một thời gian, mẹ thằng Vinh trong lúc dọn dẹp lại ràn trâu, chợt tìm thấy trên giàn xép ràn trâu nhà nó một bì đầy Cóc sê, mốc xanh mốc đỏ. Mẹ nó hét ầm lên rồi lôi nó ra vụt một trận thẳng tay, cả xóm vào can mẹ nó bảo thôi đừng đánh nữa. Ai cũng nhận ra là nó đã lớn rồi, thành một thanh niên trai tráng rồi. Nhưng đầu óc nó vẫn thế, nó không thể "khôn" ra để có bạn gái. Nó phải chống chọi với sự thay đổi sinh lý trong con người mình bằng việc đi trộm Cóc sê.
Tôi lớn lên, đi học, đi làm khắp nơi. Mỗi dịp thấy tôi về nhà, thằng Vinh lại chạy theo xe, vừa chạy vừa hét ầm lên thông báo cho cả ngõ cả làng biết. Tôi vừa buồn cười vừa thương. Cả lũ chúng tôi già đi trông thấy, mỗi thằng Vinh vẫn thế, lúc nào cũng cười tươi nham nhở. Cứ Tết là tôi nhè đầu nó mừng tuổi. Nó cứ cười hềnh hệch khen tôi đẹp trai, chẳng biết ai dạy được cho nó từ "Đẹp trai", bởi bao năm ở cạnh tôi biết bộ nhớ nó đầy rồi. Chắc hẳn nó phải xóa bớt đi cái gì đó để thay "Đẹp trai" vào?
Một bữa, tôi đi làm, mẹ tôi gọi điện báo thằng Vinh chết. Trời ơi, sao mà chết? Nó cứ loanh quanh trong làng, khỏe mạnh, có ốm đau gì đâu mà chết?
Nó theo người ta đi làm phụ hồ để kiếm tiền, nó chỉ xách hồ hôi, nhưng nó lóng ngóng ngã giàn giáo chết.
Tôi về thắp cho nó nén hương, căn nhà đã xiêu vẹo rách nát nay buồn hiu. Bố nó ngồi yên một góc không rõ cảm xúc gì, mẹ nó khóc ngất lên ngất xuống, vật vã. Tôi không hiểu sao lại khốn khổ thế này...
Người làng cũng dần quên nó đi, lâu dần chẳng còn thấy ai nhắc tới nó nữa. Đời nó có chăng như chiếc lá, rụng xuống rồi tan biến vào bùn đất. Ít lâu nữa có khi không còn ai nhớ nó từng tồn tại cũng nên..
Tôi thì vẫn nhớ.
Giữa chiều cuối năm ảm đạm này, tôi muốn viết về nó đôi dòng, để bạn bè tôi, những người làng với thằng Vinh, nếu có đọc được sẽ vẫn nhớ rằng đã từng có một thằng Vinh Ngất lớn lên cùng chúng tôi như thế!

Post a Comment

My Instagram

Copyright © Chuyện của Hùng. Made with by OddThemes